Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

HIỂU BIẾT MA SỰ


PHẦN CHÁNH TÔNG
VIII.- HIỂU BIẾT MA SỰ
Tiếng Phạn gọi là Ma-la, đời Tần dịch là Sát. Nó cướp của công đức và giết mạng trí tuệ của người tu hành, nên gọi là ác ma. Sự là lấy công đức trí tuệ độ thoát chúng sanh vào Niết-bàn là Phật sự; thường phá hoại căn lành của chúng sanh khiến lưu chuyển trong vòng sanh tử là ma sự. Nếu người khéo an tâm trong chánh đạo mới biết đạo càng cao, ma càng thạnh. Phải biết ma sự có bốn loại:
1.  Ma phiền não
2.  Ma ấm, nhập, giới
3.  Ma chết
4.  Ma quỉ thần
Ba loại ma trước đều là việc thường ở thế gian và tùy tâm người sanh ra, nên phải tự tâm chân chánh đuổi trừ nó, ở đây không phân biệt. Tướng ma, quỉ thần là điều cần phải biết, đây lược nêu ra. Quỉ thần có ba loại:
a) Ma Tinh mị
Là loài thú theo mười hai giờ, nó biến hóa làm các thứ hình sắc. Hoặc nó hóa người thiếu nữ, người già nua, nhẫn đến những hình tướng đáng sợ không phải ít để làm não loạn người tu hành. Các loài tinh mị này não hại người tu, mỗi loài đến theo giờ của nó, phải biết rành rõ. Nếu giờ Dần (3 giờ - 5 giờ) đến, ắt là loài cọp v.v... Nếu giờ Mẹo (5 giờ - 7 giờ) đến, ắt là loài thỏ, nai v.v... Nếu giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ) đến, ắt loài rồng, trạnh v.v... Nếu giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ) đến, ắt loài rắn, trăn v.v... Nếu giờ Ngọ (11 giờ - 13  giờ) đến, ắt loài ngựa, lừa, lạc đà v.v... Nếu giờ Mùi (13 giờ - 15 giờ) đến, ắt loài dê v.v... Nếu giờ Thân (15 giờ - 17 giờ) đến, ắt loài khỉ, vượn v.v... Nếu giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ) đến, ắt loài gà, chim v.v... Nếu giờ Tuất (19 giờ - 21 giờ) đến, ắt loài chó, chó sói v.v... Nếu giờ Hợi (21 giờ - 23 giờ) đến, ắt loài lợn v.v... Nếu giờ Tý (23 giờ - 1 giờ) đến, ắt loài chuột v.v... Nếu giờ Sửu (1 giờ - 3 giờ) đến, ắt loài trâu v.v... Hành giả nếu thấy chúng thường dùng những giờ này đến, tức biết những loài tinh thú ấy, kêu tên nó mà quở trách liền phải tiêu diệt.
b) Ma đôi dịch
Nó cũng làm những việc xúc chạm não loạn người tu hành. Hoặc hóa như con sâu, con mọt bò lên đầu, mặt người vùi, chích, chớp nhoáng; hoặc bươi, vạch dưới hai nách của người; hoặc chợt ôm người giữ người; hoặc kêu vang lên làm ồn náo và hóa hình các loài thú rất nhiều tướng lạ. Khi nó đến não loạn, người tu liền biết nên nhất tâm nhắm mắt lại, thầm mắng nó thế này: “Ta nay đã biết ngươi, ngươi là loài quỉ Thâu-lạp-kiết-chi tà kiến ưa phá giới ngửi mùi ăn lửa trong cõi Diêm-phù-đề, ta nay giữ giới quyết không sợ ngươi.” Nếu người xuất gia nên tụng giới bản, nếu người tại gia nên tụng Tam qui, Ngũ giới v.v... thì bọn quỉ này khúm núm rút lui. Nếu có hóa các thứ tướng mạo làm chướng nạn người tu như thế và các phương pháp đoạn trừ, ở trong kinh thiền có nói rộng.
c) Ma não
Bọn ma này hay hóa làm ba thứ cảnh tướng ngũ trần đến phá thiện tâm người.
• Hóa cảnh nghịch ý: Như hóa cọp, sói, sư tử, những hình tượng đáng sợ, là ngũ trần ghê sợ khiến người phải kinh khủng.
 Hóa cảnh thuận ý: Như hóa hình tượng cha mẹ, anh em, chư Phật và nam nữ đẹp đẽ đáng yêu, là ngũ trần yêu thích khiến người sanh tâm đắm mến.
 Hóa cảnh không thuận không nghịch:  cảnh ngũ trần bình thường làm loạn động tâm người tu hành khiến mất thiền định.
Thế nên, ma gọi là “Sát” cũng gọi là “Mũi tên hoa”, cũng gọi là “Năm mũi tên”; vì nó bắn vào năm giác quan của người. Giữa vật chất và tinh thần nó tạo ra bao nhiêu cảnh giới làm mê lầm não loạn người tu hành, nên gọi là ma. Hoặc nó tạo ra những thứ âm thanh hay, dở; những thứ mùi thơm, hôi; tạo ra những thứ vị ngọt, đắng; những cảnh giới khổ, vui đến làm xúc não thân người đều là việc của ma, tướng nó rất nhiều, ở đây không thể kể hết. Tóm phần trọng yếu, nếu tạo những thứ ngũ trần làm não loạn người, khiến mất pháp lành, khởi các phiền não đều là ma quân. Do nó hay phá hoại tính bình đẳng của Phật pháp, khởi các pháp chướng đạo: tham dục, lo buồn, giận hờn, ngủ mê v.v... Như bài kệ trong kinh chép:
Dục ma quân thứ nhất,
Ưu sầu đội thứ hai,
Đói khát quân thứ ba,
Mến yêu là thứ tư,
Ngủ mê quân thứ năm,
Kinh sợ đội thứ sáu,
Nghi hối quân thứ bảy,
Giận hờn là thứ tám,
Mê danh lợi thứ chín,
Ngã mạn là thứ mười.
Như thế, những thứ quân,
Dìm đắm người xuất gia.
Ta lấy sức thiền trí,
Phá dẹp các quân ma,
Được thành Phật đạo rồi,
Độ thoát tất cả người.
Hành giả đã biết việc ma, cần phải đuổi nó. Phương pháp đuổi có hai:
1. Tu Chỉ đuổi: Phàm thấy tất cả cảnh ma bên ngoài đều biết là hư dối, không lo, không sợ, cũng không thủ, không xả hay vọng chấp phân biệt, dứt tâm lặng yên thì ma tự tiêu diệt.
2. Tu Quán đuổi: Nếu thấy các cảnh ma như trước đã nói, dùng Chỉ đuổi không đi, phải phản quán tâm năng kiến không thấy chỗ nơi thì bọn ma kia chỗ nào mà não loạn? Khi quán như thế ma liền diệt hết. Nếu nó trì hoãn không đi, cần phải chánh tâm, chớ sanh tưởng kinh sợ, không tiếc thân mạng, chánh niệm không động, biết trên bản tánh chân như ma giới tức là Phật giới; nếu ma giới là Phật giới thì chỉ có một không hai; rõ biết như vậy thì ma giới không xả, Phật giới không thủ, Phật pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt.
Lại nữa, nếu thấy ma cảnh không tiêu chẳng cần phải lo, nếu thấy tiêu diệt cũng chớ sanh mừng. Vì cớ sao? Vì chưa từng thấy có người ngồi thiền thấy ma hóa làm cọp, sói đến ăn thịt, cũng chưa từng thấy ma hóa làm nam nữ đến kết làm vợ chồng, chính nó là huyễn hóa. Người ngu không rõ, tâm sanh kinh sợ và khởi lòng tham đắm, nhân đó mà tâm loạn, mất thiền định và sanh cuồng, tự chuốc lấy họa hoạn đều tại mình không có trí tuệ mà thọ hại, không phải tại ma gây nên. Nếu các ma cảnh làm não loạn người tu, hoặc trải qua nhiều tháng đến cả năm mà không đi, chỉ phải đoan tâm chánh niệm cho kiên cố, không tiếc thân mạng, chớ ôm lòng lo sợ, phải tụng các kinh Đại thừa, Phương đẳng và thần chú trị ma, thầm tụng niệm và hằng nhớ Tam Bảo. Nếu khi xuất định cũng phải tụng chú để tự đề phòng, sám hối, hổ thẹn và tụng giới luật, tà không can phạm được chánh, lâu lâu nó tự diệt. Ma sự rất nhiều nói không thể hết, phải khéo mà biết nó.
Thế nên, người sơ tâm tu hành cần phải gần gũi thiện tri thức. Nếu có những việc nạn như vậy, ấy là ma nhập tâm người hay khiến người tâm thần cuồng loạn, hoặc mừng, hoặc lo, nhân đó thành bệnh đến chết. Hoặc khi ma cho được tà thiền định, trí tuệ, thần thông, đà-la-ni, thuyết pháp giáo hóa, người đều kính phục, về sau phá hoại việc lành xuất thế của người và phá hoại chánh pháp. Những việc ma như thế, có nhiều loại sai biệt không thể nói hết. Nay lược chỉ bày những điều cần yếu để cho người tu trong lúc tọa thiền không lầm nhận các cảnh giới ma.
Nói tóm lại, nếu muốn dẹp tà về chánh phải quán thật tướng của các pháp, khéo tu Chỉ, Quán thì không có cái tà nào mà không dẹp được. Cho nên trong kinh luận chép: “Trừ thật tướng của các pháp, kỳ dư tất cả là ma sự.” Như bài kệ chép:
Nếu phân biệt nhớ tưởng,
Tức là lưới của ma,
Không động, không phân biệt,
Ấy tức là pháp ấn.
Trích  Tọa Thiền Chỉ Quán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét