Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT PHÁP NHIỆM MẦU-PHẦN 1(trích HT Tuyên Hóa cuộc đời và sự nghiệp)

Phần I: Tu Hành Tại Trung Quốc
 
1. Thừa nguyện trở lại.
Hòa Thượng, Thượng Tuyên Hạ Hóa sanh vào Ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ (1918), một Thôn nhỏ Huyện Song Thành Tỉnh Mãn Châu, Trung Hoa; Thân phụ là cụ Ông Bạch Phú Hải vốn là một nông phu chất phát; Thân mẫu là cụ Bà Hồ Thị là một Phật tử thuần thành cả đời ăn chay niệm Phật. Ông Bà đã có bốn trai ba gái nay lại được thêm một út trai thật đúng như ý nguyện.
Điểm khác lạ là vừa mới sơ sinh Ngài đã khóc trong ba ngày liên tiếp. Cụ Ông châu mày bồn chồn lo lắng, cả nhà thì bối rối không yên. Cụ Bà cảm giác rằng đứa bé vừa hạ sanh tất không phải người thường, nhân trong đêm chuyển dạ lâm bồn Bà có một giấc mộng diệu kỳ. Bà mơ thấy Phật A Di Đà hiện thân, từ đôi mắt phóng hào quang vàng soi sáng cùng khắp thế giới và làm cho trời đất chuyển động, mục kích cảnh tượng này bà cảm thấy thân tâm tĩnh lặng, và chợt giật mình thức giấc xoay nhìn khắp bốn phía vách nhà mới biết đó chỉ là giấc mộng khiến bà không khỏi luyến tiếc, nhưng khi ngẫm lại thì cũng không phải là mộng vì cảm thấy có hương thơm phảng phất căn phòng hồi lâu mới hết; cho nên Bà lại niệm Phật càng rõ tiếng hơn. Sau đó không lâu Bà hạ sanh một bé trai, tức là Pháp sư An Từ tự Độ Luân và cũng là Hòa Thượng Tuyên Hóa sau này.
 
2. Lập chí tu hành.
Hòa Thượng được nuôi dưỡng trong gia đình hiền đức và lớn lên trong một ngôi làng yên tĩnh ở miền quê. Nhiều người trong làng đã dời đi nơi khác để tầm danh cầu lợi nên cửa nhà thưa thớt, đường xá vắng bóng người, dân làng sống trong cảnh tĩnh lặng, an nhàn. Vì thế khi lên mười một tuổi Ngài chưa từng thấy qua người chết. Cho đến một hôm đang lúc cùng các bạn trẻ trong thôn vui đùa chạy ra ngoài đồng hoang vắng Ngài chợt thấy một đứa bé bọc trong manh chiếu bị bỏ trong bụi rậm, miệng nó ngậm và mắt thì nhắm nghiền. Bọn trẻ liền chạy tới lay gọi nó nhưng đứa bé không động đậy, Ngài không biết em bé này tại sao như thế liền hỏi một người lớn thì được cho biết rằng:
- Nó đã chết!
Ngài vẫn chưa hiểu nghĩa chữ CHẾT là gì? nên vội chạy về nhà hỏi mẹ, Mẹ Ngài bảo:
- Phàm là người ai cũng phải chết, có người chết già có người chết vì bệnh có người chết vì tai nạn, bất luận người giàu cũng như người nghèo hoặc người làm quan kẻ đi buôn người làm ruộng hay nhân công dầu có quyền uy chức phận chi nữa mọi người rồi cũng phải chết.
Càng lấy làm lạ Ngài lại hỏi:
- Nhưng thưa mẹ! vậy có cách nào để khỏi phải chết không?
Lúc đó có một vị Tu đạo đang viếng thăm gia đình Ngài, nghe Ngài hỏi liền đỡ lời:
- Có chứ con phải tu đạo, đó là cách duy nhất; con phải hiểu thấu bổn tâm, giác ngộ bản tánh của mình thì mới mong vĩnh viễn thoát ly luân hồi sanh tử.
Câu trả lời này đa số người nghe đều ít hiểu đạt, mặc dầu tuy chỉ mười một tuổi Ngài không những nghe xong liền hiểu mà còn lãnh ngộ ngay đạo lý thâm sâu này. Lời người khách đã in sâu vào tâm khảm Ngài. Sau đó Ngài quyết tâm xuất gia tu đạo. Khi Ngài trình ý định xuất thế của mình lên Mẹ thì Mẹ Ngài bảo rằng:
- Xuất gia là việc bố thí cao thượng cũng là việc khó làm nhất nếu con có căn lành cùng sự quyết chí thì con sẽ đạt được đạo quả. Mẹ rất vui mừng vì lời nguyện và ý chí của con đã ấn chứng cho giấc mơ kỳ diệu của mẹ thuở xưa, nhưng nay mẹ đã già, hẳn không còn sống bao lâu. Bốn người anh và ba người chị con đều đã lập gia đình, Mẹ hy vọng con ở lại để phụng dưỡng cha mẹ đến lúc cha mẹ qua đời thì con xuất gia cũng không muộn.
Ngài đã tôn trọng lòng mong ước của mẹ tạm gác lại ý nguyện xuất gia và thường theo mẹ Lễ Phật, Tụng Kinh. Từ đó hạt giống bồ đề trong tâm Ngài càng tăng trưởng.
 
 3- Vang danh hiếu tử.
Hạt giống bồ đề trong tâm Ngài ngày một đâm sâu, tuy tuổi còn nhỏ nhưng Ngài đã biết hồi quang phản chiếu. Lúc đầu Ngài tự phản tỉnh tính can cường của mình, nếu bị người khác chọc giận, Ngài chỉ biết la khóc thôi. Một khi đã khóc rồi thì khó mà ngưng được khiến cho cha mẹ khó phương đối trị. Sau đó tánh nết lại cứng cỏi hơn là không chịu ăn uống gì hết làm cho cha mẹ lại thêm phần sầu não. Lúc nhớ lại những khi không biết hiếu thảo với cha mẹ, thâm tâm Ngài rất ư hối hận. Ngài quyết định dùng hành động để sám hối những tội lỗi xưa. Suy đi nghĩ lại, cuối cùng Ngài nghĩ ra một phương pháp là mỗi sáng mỗi chiều, đều hướng về cha mẹ mà lễ lạy. Lúc vừa bắt đầu lạy thì cha mẹ Ngài liền la rầy quở trách, hỏi tại sao mà làm như thế, thì Ngài thưa rằng:
- Xưa kia con không biết hiếu thảo với cha mẹ, nay biết rõ như thế là không phải đạo làm con. Vì thế con nay bắt đầu lạy cha mẹ để biểu thị lòng ăn năn hối cải của con.
 Cha Ngài bảo:
- Biết rõ lỗi rồi nên sửa đổi, không cần phải lễ lạy.
Nhưng Ngài vẫn kiên trì giữ nguyện nhất định phải làm; Thế nên cha mẹ Ngài nghĩ rằng:
- Người kề cái chết thường nói những lời lành, có lẽ đứa con này sống chẳng được bao lâu nữa rồi!
Vì vậy mỗi lần Ngài lạy; Ông Bà cụ đều rơi lệ. Sợ cha mẹ quá thương tâm, Ngài bèn ra sân vào mỗi sáng tinh sương khi mọi người còn đang an giấc, Ngài hướng về cha mẹ lạy mỗi người ba lạy. Khuya đến khi mọi người đều lên giường ngủ Ngài lại ra ngoài hướng về cha mẹ mà lễ mỗi người thêm ba lạy nữa. Lạy như vậy qua một thời gian, Ngài cảm thấy vẫn chưa đủ nên lạy thêm trời, bấy giờ Ngài không biết tên của các vị thiên chủ, địa chủ, nhân chủ, mà chỉ biết trời, đất, quân thần, thân tộc sư trưởng. Thế nên mỗi sáng mỗi tối, Ngài lạy trời, đất, vị nguyên thủ quốc gia, cha mẹ và vị Thầy tương lai mỗi vị ba lạy. Sau đó Ngài lại lễ thêm đến tất cả người tốt, người xấu trên toàn thế giới. Ngài cầu mong những người đại ác, bại hoại xấu xa đều cải ác làm lành trở thành người tốt. Ngài cứ gia tăng mãi cho đến tám trăm ba mươi lạy, mỗi ngày sáng, tối hai thời, mỗi thời hai giờ rưỡi. Như vậy Ngài lạy năm giờ bất kể trời sương mưa gió tuyết.
Ngài hết lòng chăm sóc thân sinh và thân mẫu; mùa hè Ngài hầu quạt cho cha mẹ còn mùa đông Ngài sưởi ấm giường nằm cho Ông Bà cụ. Ngài phụng dưỡng cha mẹ như phụng dưỡng hai vị Phật sống, cho nên danh tiếng hiếu thảo của Ngài vang đồn khắp nơi, mọi người trong làng, đều tôn xưng Ngài là “Bạch Hiếu Tử,”  tức người con chí hiếu họ Bạch.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét