Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT PHÁP NHIỆM MẦU 2-TRÍCH CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP CỦA HT TUYÊN HÓA

4-Dẫn dắt kẻ mê. 

Vào đêm 19 tháng 2 âm lịch, vía Quán Âm, năm Ngài mười hai tuổi, Ngài trải qua một giấc mơ dị kỳ. Trong mơ Ngài thấy mình bị lạc vào đồng vắng hoang dã, chỉ thấy cỏ xanh rậm rạp, nhìn lên chẳng thấy trời, nhìn xuống không thấy bóng người mà Ngài lại đi trên một con đường đầy hầm sâu hố cạn, đường lộ lại lõm chõm; có nhiều hố lớn bằng cái bàn, vừa rộng vừa sâu, nhìn xuống không thấy đáy tối tăm rất nguy hiểm nếu bị té xuống thì khó mà sống nổi. Ngài lặng người, đứng tại chỗ tiến không được mà thối cũng không xong, không biết phải dời chân cất bước như thế nào? Ngài kinh hoàng, nhìn quanh bốn phía không một bóng người để cầu cứu, vừa sợ, vừa run, chợt nghĩ đến ước nguyện tu hành chưa đạt, tâm hiếu phụng dưỡng cha mẹ chưa xong, nếu lúc nầy lỡ xảy ra việc gì không may... nghĩ đến đây Ngài bật khóc lớn. Ngay lúc ấy có một bà Lão, đáng mạo phúc hậu đột nhiên xuất hiện trước mặt, Ngài ngưỡng đầu lên xem thì thấy Bà mặc y phục người tu, tay cầm gậy trúc, chân mang dép rơm. Bà lộ vẻ trầm tư, đôi mắt sáng ngời, miệng mĩm cười bảo Ngài rằng: 

- Này bé, sao con lại khóc dữ vậy? 

- Con chớ lo hãy đi theo dấu chân ta thì sẽ không bị lạc, ta sẽ đưa con về nhà vì đường còn xa vạn dặm nên trong lúc đi con phải cẩn thận đừng để trượt chân nhé! 

Bà lão đi trước Ngài lần bước theo sau, Bà cụ dẫn đường và không mấy chốc được thoát ra khỏi hiểm lộ đến một con đường lớn bằng phẳng, phút chốc ngôi nhà hiện ra, Ngài cảm thấy vui mừng khấp khởi: À! Cuối cùng mình đã về đến nhà rồi, thật là con đường khủng khiếp. 

Ngoảnh nhìn lại con đường nguy hiểm ấy Ngài phát hiện có rất nhiều người đi theo: trẻ, già, đàn ông, đàn bà, tu sĩ và có cả những nhà học giả nữa, Ngài cảm thấy lạ bèn hỏi Bà Lão: 

- Thưa Bà, họ là ai? Họ từ đâu đến và đang đi đâu vậy? 

- Họ là những người đều có duyên với con, họ đang lần bước theo con để vượt qua đường hiểm trở và họ cũng muốn về nhà. Bà lão tiếp: 

- Đường còn xa vậy con phải dìu dắt họ cho chu đáo, Bà có nhiều việc phải làm nơi khác chẳng bao lâu sẽ trở lại, nên bây giờ bà phải chia tay với con, chúng ta sẽ gặp nhau trong một ngày gần đây. 

Ngài muốn hỏi quý danh và chỗ ở của Bà thì được trả lời: 

- Chúng ta là người đồng hương, về tới nhà thì con sẽ biết, con không nên hỏi nhiều như vậy. 

Nói xong Bà quay mình biến mất, Ngài bèn dẫn mọi người về nhà an toàn, vừa về đến nhà, Ngài bổng giật mình tỉnh giấc, lòng mừng thơi thới.

5- Quy y Tam Bảo. 

Trong giấc mơ lúc đi lạc vào đường đầy hố sâu hiểm trở Ngài như vừa trải qua một lần sinh tử, nhờ có Bà lão chỉ dẫn nên Ngài mới thoát nạn, sau khi tỉnh giấc Ngài cảm động vô cùng biết được đây không phải là mộng tầm thường và luôn nghĩ rằng: Sanh tử là đại sự, ai mà biết được vận mạng ngày mai của mình, một khi thân này mất đi muôn kiếp khó mà được lại; Vì vậy ý niệm xuất gia cầu Pháp tu đạo của Ngài ngày càng kiên cố. Ngài đem việc này trình lên cha mẹ và được Ông Bà đồng ý cho Ngài tìm Thầy học đạo. Ngài bắt đầu một cuộc hành cước tham vấn nhiều nơi, trải qua ba năm cuối cùng Ngài gặp được Lão Hòa Thượng Thường Trí. Khi diện kiến Hòa Thượng Ngài cảm giác như đã thân thiết với lão Hòa Thượng tự bao giờ, Ngài thỉnh Hòa Thượng ban giáo pháp tu đạo làm sao để cắt dứt dòng sanh tử. Lão Hòa Thượng trả lời: 

- Con phải hằng thường chân thật tu hành pháp môn không hai (bất nhị) chỉ hướng Nhất thừa. 

Nghe xong, Ngài hoan hỷ đảnh lễ Lão Hòa Thượng Thường Trí làm thầy và chánh thức Quy Y Tam Bảo. 

Đại sư Thường Trí là một vị Thầy mà đạo đức cao dày với sự chứng đắc không thể nghĩ bàn. Mặc dầu không bao giờ Ngài học đọc, học viết nhưng môn đồ của Ngài thường nghe Ngài thuyết pháp trường hàng và kệ tụng làu thông, Ngài có khả năng đó vì Ngài đã giác ngộ chân tánh thanh tịnh.

6- Thời kỳ học tập, giáo huấn. 

Khi lên mười lăm tuổi Ngài mới bắt đầu đi học tại một trường tư. Lúc mới học làm câu đối, Ngài hứng thú vô cùng, càng học càng tâm đắc. Bấy giờ trong lớp có trên ba mươi bạn đồng học mỗi lần họ không đáp được câu đối liền tìm đến Ngài, Ngài đều hoan hỉ giúp họ. Đây là cơ hội cho Ngài tu trí và mở rộng tâm từ. Chưa đầy hai năm rưỡi sau Ngài đã thông suốt các ý chỉ của Tứ Thư, Ngũ Kinh và còn học thêm rất nhiều về ngành bốc, y, lý, số, chiêm tinh, bách tánh. Tuy nhiên Ngài chú trọng nhất về việc học và hành các kinh điển Phật-giáo. Ngài vượt hẳn các bạn đồng học và có thể thuộc làu một tác phẩm sau khi chỉ đọc qua một lần. Thế nên năm mười tám tuổi Ngài bắt đầu dạy học cho hơn ba mươi học trò; họ đều là con nhà nghèo, Ngài cho đó là nghĩa vụ của mình.

7- Thập tử nhất sanh. 

Một ngày nọ trong nhóm hơn ba mươi học trò của Ngài, đột nhiên có đến mười mấy người bị chứng bệnh đậu dương mao (lông dê), một loài bệnh truyền nhiễm khắp làng rất khó trị và có thể làm chết người. Nếu không kịp cứu chữa, thì trong vòng ba ngày người bệnh sẽ chết. Nếu chữa kịp thì bệnh sẽ thuyên giảm. Bệnh đậu này một khi phát khởi thì sanh chứng nhức đầu dữ dội, rất may là Ngài biết cách điều trị, Ngài dùng đầu một cây quẹt lửa nhấn vào chỗ nổi phù ở trước ngực của bệnh nhân, nếu chỗ bị nhấn đó hỏm vô mà không phù ra liền, thì chắc chắn là bệnh đậu dương mao, kế đến Ngài dùng cây nhọn giống như cây kim, chích thẳng vào chỗ sưng rồi cạy miếng thịt sưng đó lên rồi dùng dao xén đi. Lúc nhìn kỹ vào miếng da bị cắt thì thấy có nhiều sợi lông giống như lông dê. Phải trải qua sự chữa trị như vậy thì bệnh mới khỏi được. 

Có một học trò mà Ngài rất thương mến, vì cậu này không những biết giữ quy củ mà còn học xuất sắc và Ngài tuyển cậu làm trưởng lớp. Không may cậu cũng mắc phải bệnh đậu này. Có câu nói rằng: “Quan tâm tất loạn (lo thì loạn),” Ngài thật quan tâm về bệnh tình của cậu học trò này nên rất lo âu. Thế nên sau buổi chiều tan học đó, chính Ngài cũng bị lây bệnh này. 

Người khác bị bệnh Ngài còn có thể trị liệu cho, nhưng bây giờ bản thân Ngài bệnh thì làm sao đây? Cắt miếng thịt sưng ở trước thân thì không nói chi, nhưng nếu chỗ sưng phía sau lưng thì làm thế nào? Bấy giờ đầu Ngài đau tựa hồ muốn vở ra, Ngài nghĩ thầm: “Con đã hiến trọn cuộc đời cho Phật Pháp, nếu như Chư Phật thấy con chẳng còn giúp ích được gì, con sẽ hoan hỉ từ giả cõi đời này, nhưng nếu chúng sanh còn cần đến con, thì con tin tưởng rằng con sẽ lành bệnh mà không cần chữa trị gì cả.” 

Nghĩ vậy xong, Ngài ngủ thiếp lúc nào không hay, chỉ một lát thì giật mình thức dậy và cảm như bị nghẹt cứng trong cổ họng. Ngài cảm thấy đầu Ngài biến lớn ra, không thở được vì trong cổ họng như có vật gì chận ngang. Ngài dùng sức khạc mạnh, sau những cơn ho, Ngài nhổ ra cả đàm lẫn nhiều chùm lông và từ đó Ngài được lành bệnh. Trong đời Ngài, đây là một trong những lần thoát chết mà Ngài đã kinh nghiệm qua. Từ đó Ngài nổ lực trong trách nhiệm truyền bá giáo pháp là sứ giả của đức Như Lai. 

- Đốn và Tiệm 

Sau khi quy y với Lão Hòa Thượng Thường Trí, Ngài rất tinh cần tu tập thiền định, bất cứ kinh Phật nào Ngài cũng xem như là trân bảo, siêu vấn từng chữ từng câu, ngày ngày tụng đọc, nghiền ngẫm và học thuộc. 

Khi lên mười sáu, sau khi đi học được một năm, Ngài đã bắt đầu giảng Kinh Phật. Ngài đã giảng kinh Pháp Bảo Đàn, kinh Kim Cang cùng các kinh điển khác cho những vị Tu sĩ ở ngôi Chùa làng không biết đọc, viết và không có trường nào để học cả. 

Trong lúc nghiên cứu kinh Pháp Bảo Đàn Ngài càng cảm thấy hoan hỉ tuyệt vời. Chúng ta hãy đọc lời các môn đồ của Lục Tổ trong kinh Pháp Bảo Đàn như sau: 

- Chúng ta là thiền phái chính thống, Trường phái Nam truyền Đốn-ngộ. Thầy của chúng ta, Đại sư Huệ Năng là thừa kế chân truyền của giáo pháp. 

Ở miền Bắc các đệ tử của Ngài Thần Tú thì xiển dương Tiệm-giáo và tuyên bố rằng, 

- Toàn bộ tâm pháp của Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn đã được trao truyền cho Thầy chúng ta là Ngài Thần Tú. 

Vì thế hai trường phái trên tranh luận không thôi với nhau. 

Khi Hòa Thượng Tuyên Hóa đọc những lời này Ngài nghĩ rằng: Làm sao có thể có Đốn và Tiệm được? Đốn và Tiệm có phải là hai không? Đốn và Tiệm có khác nhau không? 

Cũng để diễn đạt tư tưởng của Ngài đối với đệ tử của hai Ngài Lục Tổ và Ngài Thần Tú, Ngài bèn làm bài kệ sau đây: 

Đốn Tiệm tuy khác, 

Thành công tại một. 

Sao phân Nam Bắc, 

Thánh Phàm tạm khác, 

Căn tánh vẫn đồng. 

ĐỐN có nghĩa là thành Phật tức khắc, còn Tiệm có nghĩa là thành đạo từ từ; Tuy nhiên khi một người đã thành Phật thì không còn có Đốn có Tiệm nữa; Tại sao cần phải phân biệt Bắc Tông của Ngài Thần Tú và Nam Tông của Lục Tổ? 

Vì lẽ một người đã hành trì Phật pháp một cách tinh tấn trong quá khứ cho nên người ấy được giác ngộ tức thời và đạt Phật quả. “Thánh” chỉ cho đức Phật, còn “Phàm” là nói về chúng sanh; Hai ý kiến dường như khác nhau, nhưng bản chất của mỗi chúng sanh không khác. Đức Phật là một chúng sanh đã đạt được đạo quả, và chúng sanh là các đức Phật chưa thành Chánh-giác. Đức Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo dưới cội cây Bồ-đề và Ngài tuyên bố rằng: “Kỳ diệu thay! Thật kỳ diệu; tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, chỉ vì vọng tưởng và tham ái mà họ chưa chứng Bồ Đề.” 

Cho nên Ngài đã nói rằng: 

“Đừng bảo rằng đức Phật A Di Đà ở bên Tây phương, còn ở Đông phương chỉ là chúng sanh, chớ nên phân biệt như vậy, bản chất giống nhau và nếu quý vị thật sự hiểu được Phật pháp, thì chẳng có gì khác nhau cả. Nếu quý vị tiếp tục tranh luận thì quý vị còn chấp trước và sẽ không hiểu được Phật pháp; Quý vị cũng đừng tuyên dương Sư phụ của quý vị, như là: ‘Thầy tôi từ bên Tàu qua, mang theo Pháp Tạng chính thống, tức là Phật pháp chân truyền.’ Thay vào đó, hãy nói với người rằng: ‘Điều gì Thầy của chúng tôi nói đều là hư huyễn.’ Giáo pháp không thể được diễn tả bằng ngôn từ, lời nói, và trên bản chất không có chánh có tà, chẳng có đúng có sai. Đừng bàn chuyện thị phi về người. Đừng hành động giống như các đệ tử của Lục Tổ và Ngài Thần Tú.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét