Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

NHƯ NHƯ(28)-PHÁ MÊ

     Hỏi: Thật sự có vận mạng không? Con người có năng lực thao túng, sửa đổi số mạng chăng?
Ðáp: Quân-tử có pháp tạo mạng.
Mạng do ta lập, phước tự ta cầu.
Họa, phước không cửa,
Do mình tự vời.
Quả báo thiện, ác,
Như bóng theo hình.
Bậc quân-tử có thể sáng tạo, tự sửa đổi số mạng của mình. Người đời không hiểu, cho rằng mọi sự đều do trời định. Chỉ cần có lòng tin mạnh mẽ và có nghị lực, thì bạn có thể từ chỗ phàm-phu mà tiến lên quả-vị Phật ngay trong tích tắcớsố mạng cải biến rồi vậy!
Hỏi: Ðộng vật chết rồi có đầu thai chăng?
Ðáp: Chúng cũng đầu thai tương tự như loài người vậy. Thí dụ như có người kiếp này là người Trung Hoa, kiếp sau là người Mỹ, kiếp sau nữa lại là người Nhật..., thì động vật cũng thế, cũng "di dân" y như vậy. Ðộng vật cũng có tánh linh, và tánh linh của chúng cũng có thể luân chuyển; song tùy nơi nghiệp lực, hành vi và tư tưởng mà có sai biệt.
Hỏi: Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát từ đâu lại?
Ðáp: Bạn hãy tự hỏi bạn từ đâu đến!
Hỏi: Có gì khác biệt giữa việc cứu người, cứu quỷ và cứu ma?
Ðáp: Hẳn nhiên là không có gì khác biệt, sao bạn còn hỏi?
Hỏi: Hiện tại đang lưu hành thứ Hiện Ðại Thiền, các Thầy dạy cách "kết ấn" và nói rằng tu theo phương pháp này dễ được cảm ứng lắm. Chúng tôi có thể học thứ Hiện Ðại Thiền này không?
Ðáp: Tôi là người cổ lão, chẳng hiểu được chuyện "hiện đại!"
Hỏi: Ðem giáo lý đạo Phật phổ vào điệu nhạc khúc ca như vậy có đúng phép không? Có người phê bình thì sao?
Ðáp: Nếu đã sợ bị phê bình, chỉ trích, thì tốt hơn hết là đừng làm bất cứ chuyện gì cả! Thử hỏi trong thiên hạ có chuyện gì tốt mà không bị phê bình? Nếu bạn sợ phê bình thì đừng làm; nếu chẳng sợ chỉ trích thì hãy phấn đấu tiến lên!
Hỏi: Song le có người phê bình tại sao không tìm điệu khúc trong Phật Giáo mà lại lấy nhạc thời đại để phổ khúc?
Ðáp: Tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng là số một, cũng là hay nhất cả!
Hỏi: Ở đời thật có quỷ sao? Người sợ quỷ, hay quỷ phải sợ người?
Ðáp: Bạn hỏi được vấn đề này hẳn nhiên bạn đã biết là có quỷ hay không rồi; cần gì phải hỏi nữa? Nếu trong tâm người có quỷ, thì người mới sợ quỷ. Trong tâm người nếu không có quỷ, thì quỷ phải sợ người!
Hỏi: Làm sao để phá chấp trước và vọng tưởng?
Ðáp: Ai cho bạn chấp trước? Ai cho bạn vọng tưởng?

Một số sinh viên trường University of California, San Francisco, đến thăm trường Ðại Học Pháp Giới. Nghe nói Tỳ-khưu-ni phải thọ trì nhiều Giới Luật hơn Tỳ-khưu, có người hỏi: "Như vậy phải chăng là nam nữ không bình đẳng?"
Ðáp: Tôi phải nói thẳng cho các bạn rõ rằng: Xét cho cùng thì Tỳ-khưu-ni là đàn bà; mà đàn bà thì có thể sinh nở, còn đàn ông thì không. Như vậy thì các bạn hiểu rồi chứ?
Hỏi: Tại sao trong xã hội bây giờ đàn bà lại ở địa vị thấp? (thua đàn ông).
Ðáp: Ai nói là đàn bà bị thua kém? Ðàn ông toàn thế giới ai cũng yêu đàn bà! Song, tôi chủ trương rằng "đàn bà không nên ăn giấm chua, đàn ông không nên ăn vụng mật ngọt;"1 bởi hai điều này đều là gốc của tánh tham lam. Nếu đàn bà không "ăn giấm chua," đàn ông không "ăn vụng mật," thì vợ chồng nhất định sẽ hòa thuận, vui vẻ.
Hỏi: Xin hỏi về xá-lợi. Có người nói xá-lợi chỉ là viên đá; có kẻ nói một hạt xá lợi có thể biến thành hai; lại có người đồn xá-lợi có thể biến mất. Xin Hòa Thượng giải thích cho.
Ðáp: Xá-lợi có được là do con người tu hành, nghiêm trì Giới Luậtớ không sát sanh, không trộm cắp, và chủ yếu là không tà dâm. Không tà dâm thì "bảo bối" nơi thân mình không bị tiêu hao mất; "bảo bối" này, tôi tin rằng các bạn đều biết rõ. Bởi vậy, trọng yếu là ở sự trì Giới Luật. Căn bản của sanh mạng chúng ta là vật gì, tôi không cần phải nhiều lời. Nếu các bạn có thể giữ Giới Không Tà Dâm, thì tự nhiên bạn sẽ có xá-lợi quang minh, xán lạn, kiên cố hơn cả kim cương!
Nói rằng xá-lợi một hạt biến thành hai hạt, đó chỉ là truyền thuyết. Bởi tôi chưa học qua môn Hóa-học, chưa làm thực nghiệm, chưa thí nghiệm xem xá-lợi như thế nào, nên chưa có kinh nghiệm.
Tôi chỉ có thể cho các bạn biết rằng nếu các bạn nghiêm trì Giới Luật thì các bạn sẽ có xá-lợi. Không trì Giới thì không có xá-lợi. Ðây là việc không thể giả mạo, hay mạo xưng đặng. Ðó là điều tôi hiểu!
Hỏi: Nói vậy, nếu muốn có xá-lợi thì chúng ta phải "thanh tịnh hóa" thân này?
Ðáp: Ðúng! Bạn phải sống độc thân, không được tiếp cận nữ giới. Nếu gần gũi nữ giới thì dù bạn có xá-lợi, e rằng xá-lợi ấy chỉ là thứ thủy-tinh!
Hỏi: Vậy thì nữ giới cũng không được tiếp cận nam giới?
Ðáp: Ðúng! Lý cũng tương đồng như trên. Do vậy trong đạo Phật mới có vấn đề độc thân, không kết hôn. Người xuất gia cần phải biết tự chế, không được loạn luân. Hễ loạn luân tức là không giữ Giới Luật. Người tu Ðạo phải thông suốt quan điểm về vấn đề nam nữ; nếu không thông suốt tức là "nhận lầm mắt cá là hạt ngọc."
Hỏi: Giới Luật nhà Phật thật vô cùng nghiêm khắc. Như Hòa Thượng nói là "không được tà dâm, không nên có tâm tham đắm sắc dục giữa nam nữ," ắt hẳn sẽ có người phản đối: "Như thế là không hợp nhân đạo!" Xin Hòa Thượng khai thị cho.
Ðáp: Muốn học làm Phật thì chẳng thể vừa lòng người đặng. Bạn muốn học làm người thì phải học làm người tốt. Tóm lại, bạn muốn tu hành thì phải như thế đấy!
Hỏi: Người có bệnh đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo cần phải uống thuốc. Song, thuốc thì giết vi trùng; như vậy có phải là phạm Giới Không Sát Sanh chăng?
Ðáp: Bạn muốn trị lành bệnh; thuốc không phải là thứ bạn tự ý muốn uống, mà vì có bệnh nên bạn mới phải uống. Thuốc là do bác sĩ cho, chứ chẳng phải ý bạn muốn. Chẳng phải là bạn muốn giết bọn vi trùng kia, mà vì bọn chúng đến hại bạn.
Tuy nói vậy, song nếu xét lại vấn đề một cách sâu xa, thì sở dĩ vi trùng xuất hiện nơi thân bạn là vì bạn có quá nhiều vọng tưởng. Chính vọng tưởng của bạn đã chiêu cảm bọn chúng lại; do đó, bạn nên "hồi quang phản chiếu," tự soi xét lòng mình, diệt sạch những "vi trùng" của tự-tâm trước đi!
Hỏi: Trong Kinh dạy rằng kẻ niệm Chú Ðại Bi thì "toàn thân ác tật, tức thời tiêu trừ." Song có nhiều người nói: "Làm gì có chuyện đó! Chẳng lẽ bạn bệnh rồi niệm Chú Ðại Bi thì hết bệnh sao?" Quan điểm ấy khác với ý Kinh; xin Hòa Thượng khai thị cho.
Ðáp: Tâm thành thì linh nghiệm. Tâm chẳng chân thành thì niệm Chú không thể linh đặng. Nếu tâm bạn mà thành khẩn, thì niệm Chú sẽ linh ứng. Chú Ðại Bi có thể làm cho:
Giận dữ sanh hoan hỷ,
Chết rồi đặng hồi sinh.
Lời này nếu hư giả,
Tức chư Phật nói dối.

Cho nên, nếu bạn sanh lòng tin tưởng thì nhất định sẽ có cảm ứng. Chú Ðại Bi có thể trị tám vạn bốn ngàn chứng bệnh, song cần phải có thiện-căn. Người không có thiện-căn thì muốn niệm cũng chẳng niệm nổi, muốn trị bệnh cũng chẳng làm nên trò trống gì!
HT TUYÊN HÓA

NHƯ NHƯ(27)-XÚI NGƯỜI KHÁC LÀM ÁC, TỘI MÌNH TĂNG GẤP BA

Bất luận trước mặt người nào cầu xin sám hối, chúng ta đều phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, bóng gió.

       Hôm qua tôi giảng một cách đơn sơ cho quý-vị nghe về ý nghĩa của sự sám hối, chỉ giảng tới đoạn "Thân cận ác hữu, hủy bối lương sư." Bây giờ tôi sẽ giảng tiếp đoạn sau:
"Tự tác giáo tha" nghĩa là tự mình làm, xúi người khác làm hoặc thấy hay nghe người khác làm, mà thuận lòng theo. Chúng ta phải biết rằng sát sanh, ăn cắp, tà dâm, nói dối hay rượu chè đều là những hành vi không chính đáng, đó là những thứ tạo tội nghiệp. Những tội nầy được phân làm bốn loại: Nhân, duyên, pháp, nghiệp (nguyên nhân, điều kiện tiếp trợ, phương thức và việc làm). Sự sát sinh gồm có sát nhân, sát duyên, sát pháp, sát nghiệp; bất luận giới nào trong đó cũng có "tự tác" hay "giáo tha tác," nghĩa là tự mình làm hoặc xúi kẻ khác làm.
       "Tự mình làm" nghĩa là không dùng tay kẻ khác, mà chính mình đi làm chuyện bất chính. "Xúi kẻ khác làm" tức là cổ vỏ hoặc bảo người đó làm chuyện không đúng. Ðó là phạm tội một cách gián tiếp. So sánh với tội trực tiếp thì tội gián tiếp nầy nặng hơn một phần, bởi vì tự mình đã có tội rồi mà mình còn mang thêm tội nữa là xảo trá. Cho nên tự làm đương nhiên có tội rồi, mà xúi kẻ khác làm thì tội càng nặng hơn.
Thế nào là "kiến văn tùy hỷ"? (thấy, nghe rồi tùy hỷ), nghĩa là mình biết kẻ khác phạm tội mà còn giúp kẻ đó nữa, cũng giống như người xưa nói: "Trợ trụ vi xuyết" nghĩa là giúp vua Trụ làm việc bạo ngược. Hãy thử nhắm mắt lại tưởng tượng rằng từ vô thỉ đến nay, mình đã phạm lỗi lầm nầy bao nhiêu lần rồi? Cũng không cần hồi tưởng lâu xa như vậy. Chỉ xét trong cuộc đời ngắn ngủi này, tội mình phạm đã không thể kể xiết rồi.
Cho nên trong bài Sám-hối tiếp theo là câu: "Như thị đẳng tội, vô lượng vô biên." Nghĩa là những tội như vậy không bờ bến, không hạn lượng được. Không những tội mình không thể kể hết được mà nó còn nhiều không biên tế. Nếu như đã biết tội sâu dầy như vậy thì mình phải làm sao bây giờ? Không nói cũng biết rằng mình cần đối trước Phật mà khẩn thiết sám hối.
        Do vậy cho nên bài Sám-hối lại tiếp: "Cố ư kim nhật, sinh đại tàm quý. Khắc thành bì lộ, cầu ai sám hối." "Khắc thành" hai chữ này có nghĩa là thành tâm. Khi sám hối điều cần nhất là phải thành tâm. Có những người tuy sám hối với sư phụ nhưng họ hết sức dối trá. Nhưng thường thì giấu đầu lòi đuôi. Ðem tội lỗi của họ mà ngụy trang che giấu đi. Ðó cũng là biểu thị họ không có thành ý sám hối tội lỗi của mình. Với cách sám hối lếu láo như vậy thì dù họ có trải qua trăm ngàn vạn ức, hằng hà sa số kiếp cũng không thể nào làm cho tội nghiệp họ tiêu trừ tường tận được.
Cho nên nói "Trực tâm là đạo tràng" tức là tâm ngay thẳng là đạo tràng. Khi sám hối với ai, mình phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, nghĩa hai đằng. Ví dụ như khi hỏi rằng có phạm tội chi không? Thì trả lời rằng "tôi không nhớ" hoặc là "có lẽ có" v.v... Sám hối không triệt để như vậy không những không tiêu trừ được tội nghiệp mà còn trồng thêm nhân xấu nữa. Trong Phật-pháp, dù cho việc nhỏ như sợi tóc cũng không được lếu láo, coi thường. Nhưng có người lại nói lên ví dụ như sau: "Có ông nọ luôn luôn tạo ra những tội nghiệp, toàn làm những chuyện ác nhưng không hiểu sao hiện giờ ông nầy vẫn làm ăn giàu có, như vậy là không có nhân quả, không có công lý phải không?" Có một bài kệ như sau:
Túng sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong;
Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ.
      Nghĩa là:
Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu;
Nhân duyên đầy đủ thời, quả báo mình lại thọ.
         Bởi thế cho nên phải biết nghiệp mình tạo ra thì thế nào cũng có báo ứng; chỉ là vấn đề thời gian, mau hay chậm, nhân duyên đã hội hợp đầy đủ chưa mà thôi.
Lại có người nói nếu như "Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu, vậy mình không có cách gì để làm tiêu trừ được tội chướng của mình sao?" Cũng không phải là không có biện pháp. Biện pháp để trừ tội nghiệp là "Duy nguyện Tam-bảo, từ bi nhiếp thọ, phóng tịnh quang minh, chiếu xúc ngã thân." Nghĩa là nguyện xin Tam-bảo, từ bi dẫn dắt, phóng ánh sáng lành, chiếu rọi thân con. Hy vọng Phật, Pháp, Tăng, Tam-bảo có thể theo chí nguyện từ bi của các Ngài mà dùng ánh quang minh thanh tịnh vô ngại chiếu sáng nơi thân của mình. Khi ánh quang minh chiếu đến thân mình, tam chướng (phiền não chướng, báo chướng, và nghiệp chướng) được tiêu trừ, giống như mây trôi trăng hiện, bản lai thanh tịnh của tâm mình lại bừng hiện vậy. Cho nên nói "Chư ác tiêu diệt, tam chướng nguyện trừ. Phục bổn tâm nguyên, cứu cánh thanh tịnh." Nghĩa là chư ác tiêu diệt rồi thì tam chướng đều quét sách. Khôi phục lại nguồn tâm cứu cánh luôn thanh tịnh.
Sau khi giảng xong bài văn Sám-hối nầy, tôi hy vọng rằng quý-vị hiểu sự tai hại của chuyện không sám hối và lợi ích của việc sám hối. Ngoài ra còn có một bài sám hối như sau:
Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thủy tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối.
    Dịch là:
Mọi thứ ác nghiệp tạo từ xưa,
Ðều do vô thỉ tham, sân, si,
Ở nơi thân, miệng, ý mà sinh,
Con nay sám hối hết tất thảy.
       Bài sám hối nầy không những có thể làm mình sám hối được tội chướng mà còn chỉ cho thấy nguyên nhân của việc tạo tội. Do đó tôi hy vọng rằng quý-vị mỗi ngày ở trước bàn Phật niệm bài văn nầy tối thiểu ba lần. Bây giờ tôi sẽ giải thích sơ qua ý nghĩa của bài này cho quý-vị nghe.
        "Vãng tích" nghĩa là hồi xưa; gần là nói trong đời nầy mà xa nữa là nói vô lượng kiếp về trước. Trong thời gian đó, chẳng những là có lúc mình vào bụng trâu hay ra thai ngựa, cũng có khi sinh vào nhà họ Trương, lại có lần làm con họ Lý. Luân chuyển trong lục đạo, và trong giai đoạn nầy, không biết mình đã tạo ra bao nhiêu là tội nghiệp nữa.
Vì sao mà mình tạo tội nghiệp? Bài sám hối giải thích rất rõ ràng, "Tất cả đều do vô thỉ tham, sân, si" nghĩa rằng do tam độc tham, sân, si làm phát sinh vô số tội nghiệp. Cũng lại vì ba thứ độc nầy làm chủ nên thân thể mình mới phạm vào những tội như sát sinh, trộm cắp, và dâm dục. Miệng thì phát sinh ra những tội vọng ngữ, nói thêu dệt, nói lời ác ôn, nói lưỡi hai đằng. Cho nên trong bài văn có nói "Tùng thân ngữ ý chi sở sanh" nghĩa là do nơi thân, ngữ, ý mà phát sinh ra.
        Bất luận là tội do thân tạo ra như là sát sinh, trộm cắp, dâm dục hoặc là nơi miệng tạo ra như là nói láo, nói lời ác ôn, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai đằng hoặc là tội phát sinh nơi ý niệm như tham, sân, si, mình đều phải khẩn thiết sám hối. Nếu không thì mình giống như người rớt vào bùn lầy, càng lúc càng lún sâu. Khi tội nghiệp càng lúc càng thâm trọng thì chính mình cũng không còn chỗ nào ngoi lên được, không còn cách gì mà cứu vớt được nữa.
         Tôi hy vọng rằng quý-vị hiện ngồi đây đều có đầy đủ thiện căn, không quên chuyện sám hối, nhất định quý-vị có thể phát nguyện sám hối nghiệp chướng và tiêu trừ tất cả tội lỗi.
HT Tuyên Hóa-giảng ngày 15-6-1958