Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

NGUYÊN DO PHÁP CHỈ QUÁN

NGUYÊN DO PHÁP CHỈ QUÁN
Tương truyền rằng:
Đại sư Trí Khải có người anh tên Trần Châm làm Tham tướng trong quân đội. Trần Châm được bốn mươi tuổi, một hôm đi đường gặp vị tiên tên Trương Quả Lão. Lão thấy tướng ông liền kêu lại bảo: “Ta xem tướng ông dương thọ đã hết, chỉ trong một tháng thì chết.” Trần Châm nghe qua kinh hãi, đến hỏi kế với Đại sư, Đại sư bảo: “Anh nghe theo tôi dạy tu trì, chắc chắn sẽ qua khỏi.” Trần Châm hứa vâng theo. Ngài bèn thuật pháp Tiểu Chỉ Quán đơn giản yếu lược này, bảo dụng công tu tập. Trần Châm y theo phương pháp tha thiết tu trì.
Hơn một năm, Châm gặp lại Trương Quả Lão, Lão thấy kinh ngạc, hỏi: “Ông không chết, có phải tại uống thuốc trường sanh chăng?” Châm đáp: “Không phải. Do em tôi là Trí Khải dạy tôi tu tập Chỉ, Quán tọa thiền nên được như vầy.” Lão khen: “Phật pháp không thể nghĩ bàn, hay phản tử hoàn sanh, thật là hi hữu!”
Mấy năm sau, Trần Châm mộng thấy đến Thiên cung. Trong ấy có đề: “Nhà của Trần Châm, mười lăm năm sau sẽ sanh lên đây.” Đúng mười lăm năm sau, Trần Châm từ biệt quyến thuộc, ngồi kiết-già yên ổn mà tịch.
Đây là nguyên do Đại sư Trí Khải thuật bộ Chỉ Quán này.

TRÁNH DỤC

PHẦN CHÁNH TÔNG
II.- TRÁCH DỤC
Nói trách dục tức là trách ngũ dục. Phàm muốn tọa thiền tu tập Chỉ, Quán quyết phải quở trách ngũ dục. Ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc ở thế gian. Nó hay làm mê hoặc tất cả phàm phu khiến phải say đắm. Nếu người biết tội lỗi của nó liền xa lìa, ấy gọi là trách dục.
1. Trách sắc dục: Những hình dáng kiều diễm của nam nữ, như mắt trong, mày dài, môi son, răng trắng... và bao nhiêu màu sắc mỹ lệ xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, lam, lục của các vật báu ở thế gian. Nó hay khiến kẻ phàm phu trông thấy sanh lòng yếu mến, tạo các ác nghiệp. Như vua Tần-bà-ta-la vì sắc dục đem thân vào nước địch, cam ở trong phòng nàng A-phạm-ba-la. Lại vua Ưu-điền cũng vì sắc dục chặt tay chân năm trăm vị tiên. Sắc dục còn gây biết bao tội lỗi như vậy.
2. Trách thanh dục: Là tiếng đàn tranh, đàn cầm, ống tiêu, ống sáo, tiếng ty, tiếng trúc, kim, thạch tấu thành âm nhạc và giọng ca ngâm, tán tụng của nam nữ. Nó hay cám dỗ kẻ phàm phu vừa nghe liền sanh tâm đắm nhiễm, tạo các ác nghiệp. Như năm trăm vị tiên ở núi Tuyết nghe giọng ca của nàng Chân-đà-la liền mất thiền định, tâm say mê cuồng loạn. Mê âm thanh tạo nên tội lỗi, còn biết bao việc như thế.
3. Trách hương dục: Mùi hương của nam nữ, của các thức ăn uống và các thứ hương xông ướp, kẻ ngu không  biết xét tướng trạng của nó, vừa ngửi liền sanh mê đắm, mở cửa cho kiết sử. Như vị Tỳ-kheo ở bên hồ sen, ngửi mùi hương của hoa sanh tâm ưa thích, bị vị thần giữ ao quở trách: “Tại sao dám trộm mùi hương của ta.” Vì thích mùi hương khiến các kiết sử đang nằm liền đứng dậy. Còn biết bao nhân duyên do hương dục gây tai hại như thế.
4. Trách vị dục: Là những mùi vị đắng, cay, chua, ngọt, mặn, lạt... những thứ cao lương mỹ vị hay khiến phàm phu sanh tâm nhiễm trước, tạo các nghiệp ác. Như ông Sa-di vì thích vị tô lạc nên sau khi chết làm con dòi ở trong tô lạc. Vị dục còn lắm việc hại tương tợ như thế.
5. Trách xúc dục: Da thịt mềm mại mịn màng của nam nữ; khi lạnh chạm ấm, khi nóng xúc mát và các cái xúc chạm hợp với nhu cầu, kẻ ngu không trí vì đó chìm đắm, khiến ngăn ngại đạo nghiệp. Như vị tiên một sừng vì xúc dục mà mất thần thông, bị dâm nữ cỡi cổ. Xúc dục có lắm việc tai hại như thế.
Phương pháp trách dục như trên đều rút trong luận Ma-ha-diễn.
Lại than rằng: “Than ôi! Chúng sanh thường bị ngũ dục não loạn, mà mải tìm cầu không thôi. Ngũ dục này, nếu cầu được càng hăng, như lửa thêm củi, ngọn lửa càng mạnh. Ngũ dục không vui, như chó gặm xương khô. Ngũ dục gây tranh đấu, như bầy quạ giành thịt thúi. Ngũ dục thiêu người, như cầm đuốc đưa ngược gió. Ngũ dục hại người, như đạp rắn độc. Ngũ dục không thật, như mộng được của báu. Ngũ dục tạm bợ không lâu bền, như chọi đá nháng lửa. Trí giả suy xét coi nó như giặc thù; thế nhân lầm mê tham đắm ngũ dục đến chết không bỏ, đời sau phải chịu vô lượng khổ não.”
Đến các loại súc sanh vẫn có ngũ dục này, nên tất cả chúng sanh thường bị ngũ dục sai sử, đều làm tôi mọi cho ngũ dục; lao mình trong tệ dục, chìm đắm trong tam đồ. Ta nay tu thiền định lại bị chúng ngăn che, chúng là giặc dữ phải chóng gấp xa lìa. Như bài kệ trong kinh Thiền chép:
Chết sống không đoạn dứt,
Vì ưa dục, thích vị,
Nuôi thù vào gò nổng,
Luống chịu các đắng cay.
Thân thúi như tử thi,
Chín lỗ chảy bất tịnh,
Như trùng phân ưa phân,
Kẻ ngu thân không khác.
Người trí nên xét thân,
Không tham nhiễm thế lạc,
Không mắc, không ham muốn,
Ấy gọi chân Niết-bàn.
Như chư Phật đã nói,
Nhất tâm, nhất ý hành,
Sổ tức tu Thiền định,
Ấy gọi hành đầu-đà.
Trích Tọa Thiền Chỉ Quán

HIỂU BIẾT MA SỰ


PHẦN CHÁNH TÔNG
VIII.- HIỂU BIẾT MA SỰ
Tiếng Phạn gọi là Ma-la, đời Tần dịch là Sát. Nó cướp của công đức và giết mạng trí tuệ của người tu hành, nên gọi là ác ma. Sự là lấy công đức trí tuệ độ thoát chúng sanh vào Niết-bàn là Phật sự; thường phá hoại căn lành của chúng sanh khiến lưu chuyển trong vòng sanh tử là ma sự. Nếu người khéo an tâm trong chánh đạo mới biết đạo càng cao, ma càng thạnh. Phải biết ma sự có bốn loại:
1.  Ma phiền não
2.  Ma ấm, nhập, giới
3.  Ma chết
4.  Ma quỉ thần
Ba loại ma trước đều là việc thường ở thế gian và tùy tâm người sanh ra, nên phải tự tâm chân chánh đuổi trừ nó, ở đây không phân biệt. Tướng ma, quỉ thần là điều cần phải biết, đây lược nêu ra. Quỉ thần có ba loại:
a) Ma Tinh mị
Là loài thú theo mười hai giờ, nó biến hóa làm các thứ hình sắc. Hoặc nó hóa người thiếu nữ, người già nua, nhẫn đến những hình tướng đáng sợ không phải ít để làm não loạn người tu hành. Các loài tinh mị này não hại người tu, mỗi loài đến theo giờ của nó, phải biết rành rõ. Nếu giờ Dần (3 giờ - 5 giờ) đến, ắt là loài cọp v.v... Nếu giờ Mẹo (5 giờ - 7 giờ) đến, ắt là loài thỏ, nai v.v... Nếu giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ) đến, ắt loài rồng, trạnh v.v... Nếu giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ) đến, ắt loài rắn, trăn v.v... Nếu giờ Ngọ (11 giờ - 13  giờ) đến, ắt loài ngựa, lừa, lạc đà v.v... Nếu giờ Mùi (13 giờ - 15 giờ) đến, ắt loài dê v.v... Nếu giờ Thân (15 giờ - 17 giờ) đến, ắt loài khỉ, vượn v.v... Nếu giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ) đến, ắt loài gà, chim v.v... Nếu giờ Tuất (19 giờ - 21 giờ) đến, ắt loài chó, chó sói v.v... Nếu giờ Hợi (21 giờ - 23 giờ) đến, ắt loài lợn v.v... Nếu giờ Tý (23 giờ - 1 giờ) đến, ắt loài chuột v.v... Nếu giờ Sửu (1 giờ - 3 giờ) đến, ắt loài trâu v.v... Hành giả nếu thấy chúng thường dùng những giờ này đến, tức biết những loài tinh thú ấy, kêu tên nó mà quở trách liền phải tiêu diệt.
b) Ma đôi dịch
Nó cũng làm những việc xúc chạm não loạn người tu hành. Hoặc hóa như con sâu, con mọt bò lên đầu, mặt người vùi, chích, chớp nhoáng; hoặc bươi, vạch dưới hai nách của người; hoặc chợt ôm người giữ người; hoặc kêu vang lên làm ồn náo và hóa hình các loài thú rất nhiều tướng lạ. Khi nó đến não loạn, người tu liền biết nên nhất tâm nhắm mắt lại, thầm mắng nó thế này: “Ta nay đã biết ngươi, ngươi là loài quỉ Thâu-lạp-kiết-chi tà kiến ưa phá giới ngửi mùi ăn lửa trong cõi Diêm-phù-đề, ta nay giữ giới quyết không sợ ngươi.” Nếu người xuất gia nên tụng giới bản, nếu người tại gia nên tụng Tam qui, Ngũ giới v.v... thì bọn quỉ này khúm núm rút lui. Nếu có hóa các thứ tướng mạo làm chướng nạn người tu như thế và các phương pháp đoạn trừ, ở trong kinh thiền có nói rộng.
c) Ma não
Bọn ma này hay hóa làm ba thứ cảnh tướng ngũ trần đến phá thiện tâm người.
• Hóa cảnh nghịch ý: Như hóa cọp, sói, sư tử, những hình tượng đáng sợ, là ngũ trần ghê sợ khiến người phải kinh khủng.
 Hóa cảnh thuận ý: Như hóa hình tượng cha mẹ, anh em, chư Phật và nam nữ đẹp đẽ đáng yêu, là ngũ trần yêu thích khiến người sanh tâm đắm mến.
 Hóa cảnh không thuận không nghịch:  cảnh ngũ trần bình thường làm loạn động tâm người tu hành khiến mất thiền định.
Thế nên, ma gọi là “Sát” cũng gọi là “Mũi tên hoa”, cũng gọi là “Năm mũi tên”; vì nó bắn vào năm giác quan của người. Giữa vật chất và tinh thần nó tạo ra bao nhiêu cảnh giới làm mê lầm não loạn người tu hành, nên gọi là ma. Hoặc nó tạo ra những thứ âm thanh hay, dở; những thứ mùi thơm, hôi; tạo ra những thứ vị ngọt, đắng; những cảnh giới khổ, vui đến làm xúc não thân người đều là việc của ma, tướng nó rất nhiều, ở đây không thể kể hết. Tóm phần trọng yếu, nếu tạo những thứ ngũ trần làm não loạn người, khiến mất pháp lành, khởi các phiền não đều là ma quân. Do nó hay phá hoại tính bình đẳng của Phật pháp, khởi các pháp chướng đạo: tham dục, lo buồn, giận hờn, ngủ mê v.v... Như bài kệ trong kinh chép:
Dục ma quân thứ nhất,
Ưu sầu đội thứ hai,
Đói khát quân thứ ba,
Mến yêu là thứ tư,
Ngủ mê quân thứ năm,
Kinh sợ đội thứ sáu,
Nghi hối quân thứ bảy,
Giận hờn là thứ tám,
Mê danh lợi thứ chín,
Ngã mạn là thứ mười.
Như thế, những thứ quân,
Dìm đắm người xuất gia.
Ta lấy sức thiền trí,
Phá dẹp các quân ma,
Được thành Phật đạo rồi,
Độ thoát tất cả người.
Hành giả đã biết việc ma, cần phải đuổi nó. Phương pháp đuổi có hai:
1. Tu Chỉ đuổi: Phàm thấy tất cả cảnh ma bên ngoài đều biết là hư dối, không lo, không sợ, cũng không thủ, không xả hay vọng chấp phân biệt, dứt tâm lặng yên thì ma tự tiêu diệt.
2. Tu Quán đuổi: Nếu thấy các cảnh ma như trước đã nói, dùng Chỉ đuổi không đi, phải phản quán tâm năng kiến không thấy chỗ nơi thì bọn ma kia chỗ nào mà não loạn? Khi quán như thế ma liền diệt hết. Nếu nó trì hoãn không đi, cần phải chánh tâm, chớ sanh tưởng kinh sợ, không tiếc thân mạng, chánh niệm không động, biết trên bản tánh chân như ma giới tức là Phật giới; nếu ma giới là Phật giới thì chỉ có một không hai; rõ biết như vậy thì ma giới không xả, Phật giới không thủ, Phật pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt.
Lại nữa, nếu thấy ma cảnh không tiêu chẳng cần phải lo, nếu thấy tiêu diệt cũng chớ sanh mừng. Vì cớ sao? Vì chưa từng thấy có người ngồi thiền thấy ma hóa làm cọp, sói đến ăn thịt, cũng chưa từng thấy ma hóa làm nam nữ đến kết làm vợ chồng, chính nó là huyễn hóa. Người ngu không rõ, tâm sanh kinh sợ và khởi lòng tham đắm, nhân đó mà tâm loạn, mất thiền định và sanh cuồng, tự chuốc lấy họa hoạn đều tại mình không có trí tuệ mà thọ hại, không phải tại ma gây nên. Nếu các ma cảnh làm não loạn người tu, hoặc trải qua nhiều tháng đến cả năm mà không đi, chỉ phải đoan tâm chánh niệm cho kiên cố, không tiếc thân mạng, chớ ôm lòng lo sợ, phải tụng các kinh Đại thừa, Phương đẳng và thần chú trị ma, thầm tụng niệm và hằng nhớ Tam Bảo. Nếu khi xuất định cũng phải tụng chú để tự đề phòng, sám hối, hổ thẹn và tụng giới luật, tà không can phạm được chánh, lâu lâu nó tự diệt. Ma sự rất nhiều nói không thể hết, phải khéo mà biết nó.
Thế nên, người sơ tâm tu hành cần phải gần gũi thiện tri thức. Nếu có những việc nạn như vậy, ấy là ma nhập tâm người hay khiến người tâm thần cuồng loạn, hoặc mừng, hoặc lo, nhân đó thành bệnh đến chết. Hoặc khi ma cho được tà thiền định, trí tuệ, thần thông, đà-la-ni, thuyết pháp giáo hóa, người đều kính phục, về sau phá hoại việc lành xuất thế của người và phá hoại chánh pháp. Những việc ma như thế, có nhiều loại sai biệt không thể nói hết. Nay lược chỉ bày những điều cần yếu để cho người tu trong lúc tọa thiền không lầm nhận các cảnh giới ma.
Nói tóm lại, nếu muốn dẹp tà về chánh phải quán thật tướng của các pháp, khéo tu Chỉ, Quán thì không có cái tà nào mà không dẹp được. Cho nên trong kinh luận chép: “Trừ thật tướng của các pháp, kỳ dư tất cả là ma sự.” Như bài kệ chép:
Nếu phân biệt nhớ tưởng,
Tức là lưới của ma,
Không động, không phân biệt,
Ấy tức là pháp ấn.
Trích  Tọa Thiền Chỉ Quán